Dù Toyota, Volkswagen hay General Motors mới là những tập đoàn lớn nhất nhưng trong mắt người tiêu dùng, đó vẫn chỉ là những thương hiệu bình dân. Đa phần người tiêu dùng mua xe của Toyota hay VW đơn giản vì họ cần một chiếc xe bền bỉ để phục vụ nhu cầu di chuyển. Có thể thấy, hình ảnh thương hiệu là vô cùng quan trọng, đó là một trong những nguyên nhân chủ đạo khiến Toyota tạo ra Lexus hay Volkswagen vung tiền mua hàng loạt thương hiệu xe sang. Vậy, những chiếc xe đắt tiền của một thương hiệu bình dân như Volkswagen Touareg có điều gì hấp dẫn người tiêu dùng?
Volkswagen Touareg không sở hữu ngoại hình hào nhoáng, không sở hữu sức hút khiến người đi đường phải trầm trồ thán phục. Tuy nhiên, sau 4 ngày đồng hành cùng chiếc xe to lớn này, tôi càng ngày càng có cảm tình với nó. Nó như một người bạn đồng hành đáng tin cậy, sở hữu trong mình chất xe Đức nhưng không khoa trương, không thu hút quá nhiều sự chú ý như các mẫu xe sang của BMW hay Mercedes-Benz. Với nhiều người, nhất là ở Việt Nam, sự “ẩn danh” này đôi khi lại là điểm cộng.
So với thế hệ đầu tiên, Touareg thế hệ thứ hai vẫn giữ được tỷ lệ thiết kế đậm chất SUV. Xe có kích thước (dài x rộng x cao) lần lượt là 4.795 x 1.940 x 1.709 mm, chiều dài trục cơ sở 2.893 mm. Volkswagen Touareg được lắp ráp trên nền tảng PL71, vốn cũng là nền tảng mà Audi Q7 và Porsche Cayenne thế hệ đầu sử dụng. Nền tảng PL71 là thành quả của 300 nhân viên của Volkswagen, Audi và Porsche, đứng đầu dự án là ông Klaus-Gerhard Wolpert và dự án được phát triển tại Trung tâm phát triển xe đua của Porsche đặt tại Weissach.
Mẫu SUV cao cấp nhất của Volkswagen sở hữu thiết kế vạm vỡ, bề thế nhưng không kém phần thanh lịch và hiện đại. Đầu xe nổi bật với lưới tản nhiệt 4 thanh ngang mạ crôm sáng bóng, chỉ cần nhìn qua ta cũng nhận ra đây là thiết kế được tiên phong bởi mẫu Volkswagen Golf. Phần đầu xe được tái thiết kế mang lại chỉ số cản gió chỉ 0.37 Cd, tốt hơn mức 0.38 Cd của thế hệ trước.
Nếu như ngoại thất chủ yếu để người ta ngắm nhìn thì khoang cabin là nơi chủ xe tiếp xúc hằng ngày. Một chiếc xe có thể không sở hữu ngoại hình quá bắt mắt nhưng nó phải có một khoang nội thất đủ đẹp, đủ tiện nghi để phục vụ cho chủ xe cũng như hành khách đi cùng. Thực sự, tôi không thể dùng từ đẹp khi miêu tả về nội thất chiếc Volkswagen Touareg. Thiết kế nội thất có phần hơi già cỗi và hơi “nồi đồng cối đá”, thiếu đi nét trẻ trung và hiện đại. Dù vậy, nhìn một cách tổng thể và đi vào một số chi tiết như nút khởi động hay bảng đồng hồ, Touareg khá tương đồng với các mẫu SUV đời trước của Audi.
Dù Volkswagen Touareg sở hữu nhiều ưu điểm về mặt vận hành và có giá bán khá hấp dẫn, chỉ từ 2,5 tỷ đồng nhưng khá khó để thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam mua Touareg. Phần đông người mua xe sẽ lựa chọn một chiếc xe ở phân khúc thấp hơn, nhưng là xe thuộc thương hiệu danh tiếng hoặc bỏ ra một khoản tiền lớn hơn khá nhiều để sở hữu một chiếc xe cùng hạng với.